Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Chữa bệnh thoái hóa khớp gối là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, nhất là đối với những người đang phải đối mặt với đau đớn và khó chịu do bệnh gây ra. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ phân tích chi tiết các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối tốt nhất cho người bệnh.

Bệnh thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là một tình trạng xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn, rách nứt hoặc biến mất. Lúc này, các xương trong khớp sẽ bị va chạm, chà xát lên nhau gây nên đau đớn, sưng, cứng khớp và làm giảm khả năng di chuyển. Đôi khi, thoái hóa khớp gối còn thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Bệnh thoái hóa khớp gốiThoái hóa khớp gối do nhiều nguyên nhân

Đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một dạng bệnh viêm khớp phổ biến. Mặc dù có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng lên sau tuổi 45. Theo Tổ chức viêm khớp Hoa Kỳ, có hơn 27 triệu người Mỹ bị thoái hóa khớp gối, đầu gối là một trong những khu vực bị ảnh hưởng phổ biến nhất. Phụ nữ là đối tượng dễ bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở lên.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Trong khi tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa khớp gối thì căn bệnh này vẫn có thể xuất hiện ở người trẻ. Đối với một số cá nhân,bệnh có thể do di truyền. Một số đối tượng khác, thoái hóa khớp gối là do chấn thương hoặc nhiễm trùng, thậm chí là thừa cân, béo phì cũng là nguy cơ cao cho vấn đề này. Cụ thể như sau:
  • Yếu tố di truyền: Các đột biến di truyền có thể làm cho một người dễ bị thoái hóa khớp gối. Điều này cũng có thể do bất thường di truyền trong hình dạng của xương bao quanh khớp gối.
  • Thừa cân: Trọng lượng cơ thể ở những người béo phì sẽ gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Và đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây thoái hóa khớp gối.
  • Chấn thương: Một người gặp phải những chấn thương ảnh hưởng đến khớp gối như trật khớp gối hoặc đứt dây chằng ở khớp gối trước đó có thể có khả năng phát triển bệnh thoái hóa khớp gối.
  • Nghề nghiệp: Thoái hóa khớp gối thường xảy ra với những người lao động nặng nhọc, họ phải thường xuyên nâng vác các vật nặng, quá trình này kéo dài khiến cho đầu gối phải luôn chịu áp lực nặng nề và dẫn đến thoái hóa. Ngoài ra, các vận động viên tham gia vào bóng đá, tennis hoặc chạy đường dài có thể có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn những người bình thường khác.
  • Các bệnh lý khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp (một loại viêm khớp phổ biến thứ hai) có nhiều khả năng phát triển bệnh thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, những người bị rối loạn chuyển hóa nhất định, chẳng hạn như có tình trạng quá tải sắt hoặc hormone tăng trưởng dư thừa cũng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối.
Nắm rõ các nguyên nhân gây bệnh thoái hóa khớp gối là điều kiện cần thiết để bạn có thể phòng ngừa bệnh.

Dấu hiệu và triệu chứng thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 giai đoạn. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển bệnh mà các triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau:
Giai đoạn 1:
  • Trong giai đoạn này, sự thoái hóa còn mới diễn ra, sụn có thể bị hư hại nhẹ. Lúc này, chưa có sự thu hẹp rõ ràng của khoảng cách giữa các xương để chị ra sụn đã bị phá hủy.
  • Ở giai đoạn 1, những người bị thoái hóa khớp gối có không cảm thấy đau hoặc khó chịu nhiều. Ngay cả dùng tia X cũng có thể chưa phát hiện được bất thường ở khớp gối trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2:
  • Các triệu chứng ở giai đoạn 2 bắt đầu trở nên đáng chú ý hơn, các bác sĩ có thể phát hiện thấy một số dấu hiệu cụ thể của sự hao mòn bằng cách chụp X – quang.
  • Khoảng trống giữa các xương sẽ bình thường, nhưng các bề mặt xương và các mô tiếp xúc sẽ cứng lại. Điều này làm cho khớp gối bị cứng lại và bắt đầu xảy ra sự phát triển của một lớp xương mỏng bên dưới sụn.
  • Người bệnh có thể gặp các triệu chứng đau đầu gối và cứng khớp. Khu vực xung quanh khớp gối có thể trở nên cứng lại và khó chịu sau khi ngủ dậy hoặc ngồi lâu.
  • Mặc dù có thể có một số hư hại nhỏ, nhưng các xương không cọ xát hoặc va chạm vào nhau. Bởi vì, chất hoạt dịch lúc này vẫn còn hiện diện để giúp làm giảm ma sát và tăng vận động của đầu gối.
Giai đoạn 3:
  • Trong giai đoạn 3, các thiệt hại cho sụn đã tiến triển. Khoảng cách giữa các xương đã bị thu hẹp và sụn có thể đã bị phá hủy.
  • Ở giai đoạn này, người bệnh bị đau khớp gối nhiều hơn và khó chịu, bất tiện trong cuộc sống hằng ngày. Chạy bộ, đi lại, quỳ gối cũng có thể rất khó chịu. Đặc biệt dấu hiệu viêm có thể xuất hiện qua các triệu chứng như sưng, nóng đỏ cùng với đau ở khớp gối.
  • Khi thoái hóa khớp tiến triển, sụn tiếp tục mỏng và vỡ ra. Xương phản ứng bằng cách trở nên dày hơn và bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ của lớp xương dưới sụn, nguy cơ hình thành gai xương trong trường hợp này là rất cao.
  • Các mô lót khớp bị viêm và có thể sản xuất thêm chất lỏng để tăng sưng. Điều này có thể gây tràn dịch khớp gối hoặc các vấn đề nghiêm trọng cho khớp gối.
Giai đoạn 4:
  • Giai đoạn 4 được coi là giai đoạn nghiêm trọng nhất. Ở giai đoạn này, các triệu chứng của viêm khớp gối rất dễ thấy. Không gian chung giữa xương bị giảm thêm, khiến cho sụn bị vỡ thêm nữa.
  • Sự tiến triển này có thể làm cho khớ bị cứng và dẫn đến tình trạng viêm liên tục, lúc này chất dịch tiết ra ở khớp là rất ít. Các xương đã bị va chạm và cọ xát vào nhau gây đau đớn nghiêm trọng khi người bệnh di chuyển.
  • Chụp X -quang sẽ cho thấy những bất thường trên khớp gối.
  • Trong trường hợp nghiêm trọng này, khớp gối có thể bị biến dạng và đau do mất sụn không đối xứng.
Thoái hóa khớp gối tiến triển theo từng giai đoạn. Những người bị thoái hóa khớp gối nên chú ý đến những giai đoạn này và các triệu chứng thoái hóa khớp gối gặp phải để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh một cách tốt nhất.

Những tác hại do bệnh thoái hóa khớp gối gây ra

Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết:
  • Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật ở người lớn.
  • Khoảng 80% người bị thoái hóa khớp gối có một số chuyển động hạn chế.
  • Khoảng 25% người bị thoái hóa khớp gối không thể thực hiên được các hoạt động chính trong cuộc sống hằng ngày của họ.
Ngoài việc gây đau đớn và khó khăn trong việc di chuyển. Có một số cách thức mà thoái hóa khớp gối có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn bao gồm:
  • Giấc ngủ: Khớp gối bị sưng, cứng cáp và đau nhức có thể gây trở ngại cho một giấc ngủ ngon. Không ngủ đủ giấc có thể làm cho cơn đau của bạn càng trở nên nặng nề hơn. Độ cứng của khớp và giới hạn chuyển động cũng có thể khiến bạn không cảm thấy thoải mái khi ngủ trên giường.
  • Giảm năng suất: Nhiều người bị thoái hóa khớp gối bỏ lỡ rất nhiều ngày làm việc mỗi năm. Thoái hóa khớp gối cũng có thể làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày như làm việc nhà, nấu nướng, mặc quần áo…
  • Tăng cân: Đau và cứng ở khớp gối có thể làm giảm ham muốn hoạt động của người bệnh. Họ có thể ngừng tham gia vào các hoạt động, ít tập thể dục thể thao, thậm chí là đi bộ. Việc thiếu hoạt động trong một thời gian dài có thể làm tăng cân không lành mạnh. Trọng lượng tăng thêm sau đó có thể gây nên nhiều vấn đề phức tạp hơn cho một đầu gối đã bị thoái hóa. Hơn nữa, tăng cân có thể có nguy cơ gây ra các biến chứng như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch…
  • Lo lắng và trầm cảm: Nghiên cứu về mối liên quan giữa lo lắng và trầm cảm với bệnh thoái hóa khớp gối cho thấy, các triệu chứng của thoái hóa khớp gối có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người bệnh. Hơn 40% người tham gia nghiên cứu phản ánh sự lo lắng và trầm cảm gia tăng do các triệu chứng thoái hóa.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Bác sĩ sẽ đề nghị các lựa chọn điều trị có thể giúp giảm đau và sưng khớp. Điều này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn và giúp bạn duy trì các hoạt động hằng ngày của mình.
Việc lựa chọn điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố nhất định cho bạn và nhu cầu sức khỏe của bạn. Có thể bao gồm tiền sử bệnh, mức độ đau và tác động của thoái hóa khớp gối lên cuộc sống hằng ngày của bạn.
Thuốc chữa thoái hóa khớp gối
Các loại thuốc chữa thoái hóa khớp gối
Nguyên tắc chính trong điều trị thoái hóa khớp gối cần nên nắm rõ là:
  • Giảm đau trong các đợt tiến triển.
  • Phục hồi chức năng vận động của khớp, ngăn ngừa và hạn chế biến dạng khớp.
  • Tránh các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuộc và các bệnh kết hợp.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Thuốc tây y điều trị thoái hóa khớp gối

Một số lựa chọn dùng thuốc điều trị thoái hóa khớp gối để giảm đau và giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp gối như:
+ Các lựa chọn dùng thuốc không kê toa, bao gồm:
  • Acetaminophen (Tydol): Đây là loại thuốc được sử dụng đầy tiên cho người bị thoái hóa khớp gối từ nhẹ đến trung bình. Liều lượng sử dụng là 1g – 2g/ ngày. Tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn và đau vùng thượng vị.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu Acetaminophen không làm dịu cảm giác đau, bạn có thể xem xét một NSAID như Naproxen (Aleve) hoặc Ibuprofen (Motrin) để giảm đau, chống viêm. Các loại thuốc này đôi khi gây ra các vấn đề dạ dày.
  • Thuốc bôi ngoài da: Bôi tại khớp gối 2 – 3 lần/ ngày với các loại gel như Voltaren Emugel… để giảm đau nhanh và ít gây tác dụng phụ.
+ Nếu các triệu chứng nặng nề hơn, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc sau:
  • Thuốc giảm đau bậc 2: Các bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau bậc 2 với Paracetamol kết hợp với Tramadol 1g – 2g/ ngày cho các trường hợp đau nặng hơn.
  • Thuốc ức chế COX-2: Các chất ức chế này là các NSAID có kê toa. Celecoxib (Celebrex) là lựa chọn phổ biến. Thuốc ức chế COX-2 có ít rủi ro hơn cho các vấn đề dạ dày, nhưng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho tim.
  • Steroid: Tiêm glucocorticoid hoặc corticosteroid là steroid có thể được tiêm trực tiếp vào khớp. Tiêm steroid được sử dụng trong trường hợp đau nặng để mang lại tác dụng giảm đau, giảm viêm “tạm thời”. Các thuốc này có nguy cơ làm tổn thương sụn của người bệnh, vì vậy các bác sĩ đều hạn chế tiêm steroid nhiều lần trong một năm.

2. Thuốc đông y chữa bệnh thoái hóa khớp gối

Quan niệm của đông y cho rằng, thoái hóa khớp gối xuất phát từ ngoại nhân (tức là nguyên nhân từ bên ngoài) như phong, hàn, thấp, tà xâm nhập vào khi cơ thể bị suy yếu gây ảnh hưởng đến sự vận hành của khí huyết, làm sưng đau, tê nặng ở khớp gối.
Ngoài ra, yếu tố nội thương (cơ địa, tạng phủ) xảy ra ở người cao tuổi mắc các bệnh lâu ngày làm cho tạng thận, tạng can bị hư suy, khí huyết ngưng trệ dẫn đến thận hư không chủ được cốt tủy gây đau nhức xương khớp.
Luận trị đông y về điều trị thoái hóa khớp gối là phải ngăn chặn ngoại nhân và chữa lành nội thương, từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu được lưu thông trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho người bệnh.

3. Thuốc bổ sung cho sụn khớp

  • Glucosamine sulfate và Chondroitin sulfate:  Hai chất này xảy ra tự nhiên trọng sụn của cơ thể. Trong các thử nghiệm lâm sàng, một số bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối báo cáo lợi ích từ việc bổ sung có chứa glucosamine sulfate hoặc một sự kết hợp glucosamine sulfate với chondroitin sulfate cho khớp gối bị thoái hóa.
  • Axit Hyaluronic: Axit này được sử dụng như một loại chất lỏng cho khớp. Nó hoạt động như một bộ giảm xóc và chất bôi trơn. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm loại axit này cho người bệnh thoái hóa khớp gối để cải thiện chức năng cho khớp gối. Tuy nhiên, loại thuốc bổ sung này có thể tiềm ẩn những rủi ro liên lụy đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng loại thuốc này.

4. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật

Nếu bạn bị đau khớp nặng và không tìm được sự hỗ trợ với các liệu pháp khác, phẫu thuật có thể là lựa chọn tiếp theo của bạn. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định xem có nên phẫu thuật hay không tùy theo mức độ nguy hiểm mà bạn đang gặp phải.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật
Các lựa chọn phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị thoái hóa khớp gối là:
  • Phẫu thuật nội soi: Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để chữa lành những thương tích hoặc làm sạch các mảnh vụn từ khớp. Những người dưới 40 tuổi bị thoái hóa khớp gối nói chung được chỉ định áp dụng nội soi khớp để điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, nội soi khớp có thể làm giảm các triệu chứng đau đớn gần như ngay lập tức sau thủ thuật. Tuy nhiên, tài liệu nghiên cứu chưa tìm thấy liệu phẫu thuật nội soi khớp có ngăn chặn được các thiệt hại chung cho cơ thể hay không.
  • Phẫu thuật cắt xương: Thủ thuật này liên quan đến việc cắt xương để loại bỏ áp lực ra khỏi phần tổn thương của khớp và sửa chữa sự liên kết xương. Cách điều trị thường được dành cho những người hoạt động nhiều hơn dưới 40 tuổi mà xương không ở đúng góc độ. Đây là loại phẫu thuật có hiệu quả trong việc ngăn chặn tổn thương khớp.
  • Thay thế khớp: Phẫu thuật thay thế khớp là một quy trình phức tạp liên quan đến việc thay thế các bộ phận bị thương hoặc hư hỏng ở đầu gối bằng các bộ phận nhân tạo. Thay thế khớp được nghiên cứu rộng rãi và được chứng minh là có khả năng giảm đau và cải thiện tính di động cũng như chức năng hằng ngày của khớp gối. Tuy nhiên, khớp nhân tạo có tuổi thọ của nó, nó sẽ trở nên hư hại theo thời gian và bạn có thể cần một cuộc phẫu thuật tiếp theo trong tương lai khi các thiết bị nhân tạo không còn hoạt động tốt.

5. Cấy ghép tế bào sụn điều trị thoái hóa khớp gối

Có rất nhiều nghiên cứu về việc cấy ghép tế bào gốc để điều trị thoái hóa khớp gối. Vậy, tế bào gốc là gì?
Các nhà khoa học đã xác định tế bào gốc là tế bào có thể thực hiện được hai điều sau:
  • Tế bào gốc có thể tự phân chia và sao chép cả trong cơ thể người và trong phòng thí nghiệm. Một lượng nhỏ tế bào gốc có thể được thu hoạch từ mô người và sau đó được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
  • Tế bào gốc có thể phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Ví dụ, một tế bào gốc có thể phát triển thành tế bào máu, tế bào xương hoặc tế bào sụn.
Nghiên cứu tại đại học Georgia Regents cho thấy rằng, trong các liệu pháp tế bào thì các tế bào gốc tủy xương có khả năng tạo sụn cao hơn so với các tế bào gốc từ mỡ.
Liệu pháp cấy ghép tế bào gốc có khả năng tái tạo sụn đã bị phá vỡ, chống thoái hóa sụn, giảm đau và cải thiện tính di động của bệnh nhân.
Trong những nghiên cứu mới nhất, tế bào gốc đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc giảm đau và giảm viêm ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối tiến triển hơn, giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh và nhu cầu thay khớp. 
Nhiều bác sĩ đã kết hợp việc sử dụng tế bào gốc với huyết tương giàu tiểu cầu (PRP). PRP có nguồn gốc từ một mẫu máu của bệnh nhân. Trong cơ thể, tiểu cầu tiết ra các chất gọi là yếu tố tăng trưởng và các protein khác điều chỉnh sự phân chia tế bào, kích thích tái tạo mô và thúc đẩy quá trình chữa bệnh. giống như liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp PRP đôi khi được sử dụng độc lập với hy vọng chữa thoái hóa khớp thành công.
Các bác sĩ sử dụng PRP và tế bào gốc cũng với nhau, mục đích là để tối đa hóa hiệu quả chữa bệnh của tế bào gốc. Các nghiên cứu trong lĩnh vực này đang trong quá trình tiến hành.

6. Chữa thoái hóa khớp gối bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau, sưng và cứng khớp xương của đầu gối, đồng thời phương pháp này còn có khả năng cải thiện chức năng khớp gối, giúp cho người bệnh đi lại hoặc thực hiện các hoạt động dễ dàng hơn.
Vật lý trị liệu điều trị thoái hóa khớp gối gồm hai phương pháp chính, đó là phương pháp điều trị thụ động và chủ động. Với phương pháp điều trị thụ động, chuyên gia trị liệu thực hiện phần lớn công việc. Nhưng đối với phương pháp điều trị tích cực, bạn là người thực hiện chính, chẳng hạn như các bài tập tại nhà.
+ Phương pháp điều trị thụ động thông thường cho thoái hóa khớp gối là: 
  • Liệu pháp lạnh: Bằng cách làm giảm lưu thông, liệu pháp lạnh có thể giúp giảm sưng. Với phương pháp này, bác sĩ trị liêu có thể đặt một gói chườm lạnh lên trên khớp gối của bạn.
  • Liệu pháp nhiệt: Liệu pháp nhiệt làm tăng lưu lượng máu để làm giảm độ cứng ở khớp gối và các cơ xung quanh đầu gối. Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt lên đầu gối của bạn một miếng đệm sưởi ấm để thúc đẩy tuần hoàn.
  • Thủy liệu pháp: Hay đôi khi còn được gọi là liệu pháp thủy sinh, phương pháp điều trị này sử dụng nước để làm giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Có một số ưu điểm của thủy liệu pháp là bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng trong nước (điều này không làm trầm trọng hơn tình trạng của bạn). Ngoài ra, người bệnh có thể được ngâm trong nước ấm để tạo điều kiện chuyển động và giúp bạn đối phó với cơn đau và các triệu chứng thoái hóa khớp gối khác.
  • Điện trị liệu: Kích thích dây thần kinh qua da bằng dòng điện (TENS) là một ví dụ về liệu pháp điện trị liệu. Phương pháp này có lợi cho việc giảm đau và cải thiện chức năng thể chất. TENS là một sự kích thích sử dụng dòng điện, được áp dụng trực tiếp lên da và xung quanh đầu gối để ngăn chặn tín hiệu đau truyền đến não ở các dây thần kinh. Đồng thời, nghiên cứu về phương pháp này còn cho thấy khả năng kích thích cơ thể giải phóng endorphin, một chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể.
+ Phương pháp điều trị chủ động cho thoái hóa khớp gối: 
  • Bài tập tăng cường: Bác sĩ trị liệu sẽ cho bạn thấy những bài tập nhất định mà bạn có thể thực hiện tại nhà để tăng cường cơ bắp của bạn. Sự khỏe mạnh của cơ bắp xung quanh đầu gối sẽ giúp khớp gối của bạn được ổn định và chắc khỏe hơn, điều này giúp giảm đau do thoái hóa khớp gối.
  • Bài tập linh hoạt: Bởi vì thoái hóa khớp gối làm cho việc di chuyển trở nên khó khăn, các bài tập linh hoạt là rất quan trọng. Thực hiện thường xuyên các bài tập này có thể giúp tăng phạm vi chuyển động, làm cho đầu gối của bạn linh hoạt hơn và phục hồi chức năng khớp gối bình thường.
Cả hai bài tập tăng cường và bài tập linh hoạt đều rất quan trọng giúp làm giảm bớt áp lực tác động lên đầu gối, do đó cải thiện khớp gối một cách nhanh chóng hơn.

Chế độ ăn uống sinh hoạt chữa thoái hóa khớp gối

Thói quen sống lành mạnh với các chế độ sinh hoạt, ăn uống thích hợp có thể đặc biệt hữu ích cho những người bệnh. Các thông tin về người bị thoái hóa khớp gối nên ăn gì,kiêng gì sẽ được tổng hợp ngay dưới đây.

1. Chế độ ăn tăng cường sụn khớp điều trị thoái hóa khớp gối

Bạn không cần phải thay đổi quá lớn về chế độ ăn uống của mình. Hãy làm theo các bước đơn giản dưới đây để giữ cho khớp gối luôn được khỏe mạnh:
Chế độ ăn uống sinh hoạt chữa thoái hóa khớp gối
Lối sống lành mạnh giúp hỗ trọ điều trị thoái hóa khớp gối
  • Cắt giảm lượng calo: Đầu gối của bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi cân nặng của bạn giảm xuống, nhất là ở những người béo phì và calo có mối liên hệ đặc biệt trong vấn đề này, nó làm cho cân nặng bị tăng lên nếu được bổ sung quá nhiều. Một cách tốt để làm giảm lượng calo là: Tránh các thức ăn có đường và đồ uống có gas và ăn hầu hết các loại thực phẩm từ thực vật.
  • Ăn nhiều trái cây và rau: Nhiều chất chống oxy hóa, những chất có thể giúp tế bào khỏi hư hại được tìm thấy trong các loại trái cây và rau. Các chất này cũng có thể giảm viêm và đau do thoái hóa khớp gối. Một số loại thực phẩm điển hình như táo, rau bina, dâu tây, hành tây, dưa đỏ, quả mớ, khoai lang, cà chua, măng tây…
  • Thêm axit béo Omega-3: Omega-3 có thể giúp làm giảm đau khớp và cứng khớp buổi sáng ở những người thoái hóa khớp gối. Chúng hoạt động bằng cách ức chế sản xuất cytokine và các enzyme phá vỡ sụn để làm giảm viêm trong cơ thể. Một cách dễ dàng để bổ sung lượng axit béo Omega-3 tốt nhất là ăn nhiều cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, trứng, quả óc chó, hạt lanh…
  • Sử dụng dầu ô liu thay cho các chất béo khác: Một nghiên cứu cho thấy rằng một hợp chất trong dầu ô liu được gọi là oleocanthal có tác dụng ngăn ngừa viêm. Nó hoạt động tương tự như thuốc chống viêm không steroid. Khoảng 1/2 muỗng canh dầu ô liu có tác dụng như 200 mg ibuprofen. Nhưng dầu này cũng cung cấp cho bạn khoảng 400 calo. Do vậy, để thêm dầu ô liu vào chế độ ăn uống của bạn mà không cần thêm calo, hãy sử dụng nó thay thế cho các chất béo khác, chẳng hạn như bơ.
  • Bổ sung đủ Vitamin C: Một yếu tố quan trọng làm tăng cường sức khỏe chung cho cơ thể là sự có mặt của vitamin C. Vitamin C giúp xây dụng collagen và mô liên kết có lợi cho người thoái hóa khớp gối. Rất nhiều các thực phẩm ngon cung cấp cho bạn chất dinh dưỡng này như các loại trái cây họ cam quýt, ớt đỏ, dâu tây, bông cải xanh, cải bắp và cải xoăn. Liều lượng thích hợp là 75 mg mỗi ngày cho phụ nữ và 90 mg mỗi ngày cho nam giới.
  • Cung cấp vitamin D: Vitamin D được nghiên cứu là có thể giúp ngăn ngừa sự phân hủy sụn và giảm nguy cơ thu hẹp không gian chung. Ngoài lượng vitamin D tự nhiên hấp thụ trong ánh sáng mặt trời, bạn cũng có thể cung cấp cho cơ thể loại chất này bằng các thực phẩm như hải sản, sữa, trứng, nước cam, ngũ cốc ăn sáng,  đậu hũ, sữa chua…

2. Chế độ sinh hoạt chữa thoái hóa khớp gối

Chế độ sinh hoạt đóng góp quan trọng không nhỏ trong kế hoạch điều trị thoái hóa khớp háng. Hãy chú ý đến những điều sau để quá trình chữa trị của bạn được hồi phục nhanh chóng hơn:
  • Nghỉ ngơi thư giãn điều độ
Khi bạn không ngủ đủ giấc hoặc vẫn duy trì các hoạt động hoặc tư thế xấu ảnh hưởng đến khớp gối đã bị thoái hóa. Điều này sẽ khiến cho các khớp xương và cơ bắp của bạn khó có thể được chữa lành trong khi kích tố tăng trưởng, trọng lượng cơ thể và viêm tất cả đều có xu hướng tăng lên.
Người bệnh cần ngủ đủ giấc mỗi đêm (từ bảy đến chín giờ) và cân bằng giữa nghỉ ngơi, làm việc trong ngày để giảm bớt căng thẳng lên khớp gối, giữ mức hormone cơ thể được cân bằng và sửa chữa các mô bị tổn thương. Ngoài ra, hãy học cách nhận biết các tín hiệu trên cơ thể để biết khi nào nên dùng hoặc làm chậm hơn, hoặc là nên nghỉ ngơi để tránh thoái hóa khớp gối diễn biến trầm trọng hơn.
  • Luyện tập duy trì cân nặng
Nếu bạn thừ cân, việc giảm cân dù ít cũng có lợi cho một khớp gối bị thoái hóa. Giảm cân có thể làm giảm căng thẳng trên khớp gối và do đó làm giảm các triệu chứng của bạn.  Để duy trì cân nặng phù hợp, hãy tập thói quen tập thể dục thường xuyên bên cạnh việc ăn uống lành mạnh.
Bằng cách điều chỉnh lối sống của bạn và thực hiện một vài thay đổi đơn giản, bạn sẽ nhận thấy sự thuyên giảm đáng kể của các triệu chứng do thoái hóa khớp gối. Hãy nhớ rằng công tác phòng chống và quản lý bệnh là chìa khóa cải thiện tình trạng này một cách tốt nhất.
LỜI KẾT:
Như chúng tôi đã đề cập ngay từ tiêu đề bài viết, chữa bệnh thoái hóa khớp gối có rất nhiều cách. Điều quan trọng là bạn nhận biết sớm được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, từ đó chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để phục hồi nhanh chóng tình trạng bệnh của mình.
Bởi vì thoái hóa khớp gối có thể tiến triển qua các giai đoạn khác nhau, vậy nên can thiệp điều trị càng sớm càng có nhiều cơ hội thành công hơn. Trong trường hợp nhẹ, một số thuốc điều trị thoái hóa khớp gối hay các phương pháp được áp dụng phổ biến tại bệnh viện có thể kiểm soát được bệnh. Phẫu thuật là hướng giải quyết cuối cùng cần được xem xét  khi cần thiết để chữa trị bệnh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét